Trả lời câu hỏi của VnExpress.net, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, các nội dung của Nghị
định 71 thực chất không phải mới mà từng được quy định và sửa đổi nhiều
lần. Thời gian qua, dư luận có nhiều phản ứng với quy định "chính chủ"
không phải vì nghị định sai mà là do việc thực hiện không đúng.
Ngày 29/11, Chính phủ đã yêu cầu 3 bộ Tư pháp, Giao
thông Vận tải và Công an đánh giá về những vấn đề xung quanh nghị định
này. Khẳng định việc phạt lỗi không sang tên, đổi chủ là cần thiết nhưng
các bộ thừa nhận, lực lượng chức năng khi xử lỗi này lại lệch sang truy
cứu người điều khiển có phải là chủ phương tiện hay không.
|
Cảnh sát được cho là đã xử lý sai lệch khi truy cứu người điều khiển có phải chủ phương tiện không. Ảnh minh họa: Bá Đô. |
"Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn văn bản hướng
dẫn để đúng bản chất thực hiện và trong lúc chờ hướng dẫn, lực lượng
chức năng tạm thời chưa phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ",
ông Đam nói.
Liên quan tới mức phí sang tên được cho là quá cao,
ông Đam cho biết, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xem xét đánh giá
lại để có mức phí phù hợp. Quy trình sang tên, đổi chủ cũng cần rà soát
để tránh phiền hà cho người dân.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Đam cho hay, để
hướng tới một xã hội tuân thủ pháp luật, cũng như theo thông lệ quốc tế,
phương tiện giao thông cũng là loại động sản cần phải đăng ký sở hữu.
Nếu không đăng ký, không xác định được chủ sở hữu thì sẽ rất khó khăn
trong quản lý, đặc biệt khi tài sản đó trở thành phương tiện của các
hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan tới nghị định này, bà Lê Thị Nga, Phó chủ
nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, nghị định sai luật và không
khả thi; mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với
chính sách của Nhà nước. Còn Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân
Thảo cho rằng, nên hoãn thi hành nghị định 6 tháng đến 1 năm.
Nguồn Vn Express