Cho tới khi ông Kiên bị bắt giữ để điều tra sai phạm
kinh tế, người ta mới biết rõ hơn "khẩu vị" của nhà đầu tư cỡ bự này.
Ngoài 2 lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn tham gia
vào ngành du lịch, dệt may, dịch vụ ...... Tại các doanh nghiệp này,
hầu như không bao giờ ông ra mặt chính thức.
Tài chính – ngân hàng là lĩnh vực đặt nền móng cho sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Kiên.
Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên tham gia góp vốn và nhanh chóng trở thành Phó
chủ tịch Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB). Tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông
Kiên vượt xa sở hữu của 2 sáng lập viên Trần Mộng Hùng và Phạm Trung
Cang. Còn nếu tính cả gia đình, nhà ông Kiên vào sau nhưng chỉ kém gia
đình ông Hùng đôi chút. Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông
Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,7% cổ phần của ACB.
Trước khi bị bắt, ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản
trị của 3 công ty con của ACB là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại
B&B; Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài
chính Á Châu Hà Nội.
Ngân hàng ACB có đầu tư vào nhiều ngân hàng khác như
Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các
nhân vật chủ chốt của ACB như ông Kiên có thể nắm cổ phần tại các ngân
hàng này. Đến sáng 21/8 (sau khi có thông tin ông Kiên bị bắt), các ngân
hàng trên đã đồng loạt phủ nhận sự ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Kiên.
|
Trong lĩnh vực bóng đá, ông Kiên để lại nhiều dấu ấn và đặc biệt gây sốc với bài phát biểu công kích VFF năm ngoái. Ảnh: MH. |
Về phần mình, Eximbank cho biết, ông Kiên chỉ là cổ
đông thường tham gia mua cổ phiếu và nắm trên dưới 1% cổ phần tại
Eximbank. Báo cáo thường niên năm 2011 của Eximbank cũng không hề nhắc
đến ông Nguyễn Đức Kiên như một cổ đông lớn và chủ chốt. Thế nhưng, tại
buổi lễ tổng kết mùa giải năm 2011 của VFF, chính bầu Kiên đã khẳng định
vai trò và tầm ảnh hưởng của mình tại ngân hàng này. Ông Kiên phát
biểu: “Tôi đề nghị Eximbank yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam xem xét,
chấn chỉnh giải bóng đá vô địch quốc gia”. Eximbank khi đó là nhà tài
trợ chính cho mùa giải của V-League.
Nguyễn Đức
Kiên được biết đến như doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá. Đây
cũng là lĩnh vực mà ông Kiên rót tiền đầu tư mạnh tay và để lại nhiều
dấu ấn nhất. Thậm chí, đây là lĩnh vực thấy rõ nhất sự
tham gia của ông Kiên một cách danh chính ngôn thuận. Ông Nguyễn Đức
Kiên là Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội ACB và là Phó chủ tịch Công ty cổ
phần bóng đá VPF. Trong làng bóng đá, ông Kiên được biết đến như một ông
bầu dám nói, dám làm. Điển hình là màn công kích Liên đoàn Bóng đá Việt
Nam trong buổi lễ tổng kết mùa giải năm 2011 của ông đã gây sốc trong
dư luận.
Dưới thời ông Kiên, Hà Nội ACB đã ký được một trong
những bản hợp đồng được xem là đắt giá nhất thị trường thời điểm với
ngôi sao Lê Công Vinh. Có những thông tin cho rằng bầu Kiên đã bỏ ra
khoảng chục tỷ đồng để có được chữ ký của cầu thủ xứ Nghệ.
Trong khi các ông bầu trên sân cỏ khác đều sở hữu danh
chính ngôn thuận một doanh nghiệp – tập đoàn lớn (Bầu Đức làm Chủ tịch
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; bầu Hiển làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB;
Bầu Thụy làm Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành) ông Kiên không thực sự đứng
tên điều hành một doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, vị tỷ phú đầu bạc này
được cho là đang nắm nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Hầu hết ngân hàng phủ nhận vai trò của ông Kiên, còn giới bóng đá đều thấy rõ sự có mặt của những cái tên ngân hàng có dính dáng tới bầu Kiên ngay trên sân cỏ.
Tại những trận CLB Hòa Phát Hà Nội thi đấu trên sân nhà, hình ảnh quen
thuộc được nhìn thấy vẫn là những băng rôn mang tên các nhà tài trợ ngân
hàng như: ACB, Eximbank, Techcombank, DaiA Bank và VietBank. Hay chính
ông Kiên đã khẳng định là “cổ đông chính” của Eximbank trong buổi lễ
tổng kết của VFF năm 2011.
Ngoài tài chính – ngân
hàng và bóng đá, ông Kiên đầu tư vào các lĩnh vực rất khác xa nhau như
du lịch, may mặc, dầu khí, dịch vụ… Ông Kiên là Phó Chủ
tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Chợ Lớn và được cho là cũng có
ghế trong HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh. Chưa hết, ông Kiên
từng là Chủ tịch của Liên doanh nhựa đường Caltex và Phó Chủ tịch của
Liên doanh KFC Việt Nam.
|
Bầu Kiên đứng ở vị trí trung tâm trong buổi lễ ký kết
hợp tác mặc dù "chỉ nắm trên 1% cổ phần Eximbank". Ông Kiên đứng giữa
Tổng giám đốc Eximbank và Chủ tịch Air Mekong hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: P.V. |
Với giả định ông Kiên là “cổ đông chính của Eximbank”
như bản thân đã thừa nhận, vị tỷ phú tóc bạc này còn đang nhảy sang lĩnh
vực hàng không. Trao đổi với VnExpress.net, một nguồn tin từ
Air Mekong cho hay, không biết ông Kiên có nắm cổ phần của hãng hàng
không trên hay không nhưng vị này khẳng định Eximbank góp 11% vốn điều
lệ của Air Mekong.
Vai trò của ông Kiên ở Eximbank lại được thấy rõ trong
buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược của ngân hàng này và Air
Mekong. Trong bức ảnh chụp tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Kiên đứng ở chính
giữa, hai bên là Tổng giám đốc Eximbank cùng Chủ tịch HĐQT Air Mekong.
Bức ảnh này đã cho thấy, tại Eximbank nói chung và
trong phi vụ của lĩnh vực hàng không nói riêng, ông Nguyễn Đức Kiên có
vai trò không hề nhỏ bởi nếu chỉ nắm chưa đến 1% cổ phần như Eximbank
nói, ông Kiên không cần thiết xuất hiện với vai trò “dày đặc” như thế.
Trước đó, Eximbank vừa ký hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines vay 100
triệu USD mua 4 máy bay Airbus A321.
Một thương vụ không ít người biết cũng khá bất ngờ, đó
là đầu tư vào Liên doanh KFC Việt Nam - thương hiệu đồ ăn nhanh đến từ
Mỹ và được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Theo cáo bạch Ngân hàng ACB,
trong giai đoạn 1994-8/2006, ông Kiên lần lượt là Phó chủ tịch, rồi lên
làm Chủ tịch liên doanh này. Sau 2006, nhiều nhân viên công ty vẫn được
nghe nói Chủ tịch của mình là Nguyễn Đức Kiên. Đến nay, ông Kiên không
còn là Chủ tịch KFC nữa và nhân viên công ty chưa biết Chủ tịch mới là
ai.