Ban Công nghiệp VRG vừa có văn bản hướng
dẫn một số công ty Tây Nguyên khắc phục một số vấn đề trong dây chuyền
chế biến mủ đông tạp nhằm hoạt động ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu định
mức kinh tế kỹ thuật và chất lượng sản phẩm.
- Xử lý và phân loại nguyên liệu ban đầu: Khối
mủ đông các loại khi tiếp nhận cần được xử lý cán vắt nước qua máy cán
thô (máy 360/410) để làm đồng đều độ ngậm nước của các khối mủ đông có
kích thước khác nhau. Quá trình này tạo điều kiện tốt khi lưu trữ và
giảm mùi hôi. Sau khi cán vắt nước, mủ đông được phân loại theo ngoại
quan: mủ đông “tươi” có màu trắng đục và mủ khô ráo có màu nâu; các loại
này được lưu trữ theo từng khu vực riêng biệt.
- Lưu trữ trước khi chế biến: Sau
khi cán vắt nước và phân loại, nguyên liệu có màu trắng đục (mủ tươi)
được lưu trữ ít nhất 15 ngày và nguyên liệu có màu nâu được lưu trữ từ
10 -15 ngày trước khi đưa vào chế biến (lưu trữ theo ngày tuổi).
- Lưu ý trong quá trình lưu trữ:
+ Trong quá trình lưu trữ không phun
nước vào khối nguyên liệu (lưu trữ khô); chỉ phun nước trước 1 ngày hoặc
trong ca sản xuất để dễ gia công cơ học.
+ Lưu trữ theo nguyên tắc “vào trước ra
trước”: Nguyên liệu được ủ trước thì sản xuất trước – nguyên liệu vào
sau thì sản xuất sau, nhằm đảm bảo đủ thời gian ủ như đã nêu trên.
- Gia công liên tục và gia công gián đoạn:
+ Gia công liên tục: Phương pháp này
được ưu tiên áp dụng, vì đây là phương pháp theo công nghệ chuẩn. Phương
pháp này được ưu tiên áp dụng triệt để khi xử lý tốt nguyên liệu ban
đầu như đã nêu (cán vắt nước, phân loại, ủ); phương pháp này thường cho
kết quả chất lượng tốt về độ chín đều (bay hơi), chỉ tiêu Po, PRI…đồng
thời đạt được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (nhân công và năng lượng).
+ Gia công gián đoạn: Trong trường hợp
công đoạn cán vắt nước, phân loại và ủ không đạt yêu cầu (nguyên nhân do
tổ chức sản xuất, thiếu máy cán thô, phân loại và lưu trữ không đạt yêu
cầu…) thì áp dụng phương pháp này (hạn chế).
+ Cán ủ gia công gián đoạn: Cán lần 1
đến máy cán số 5 (sau máy cán 3 trục 2) thì đem tờ ra ủ; sau khi ủ thì
nạp lại tại máy số 5 (hoặc 6) để hoàn tất quá trình gia công tạo tờ và
tạo hạt.
+ Lưu ý ủ gián đoạn (ủ tờ đã qua gia
công lần 1 tại máy số 5): Các tờ được xếp chồng ngay ngắn hoặc cuộn lại;
tất cả được lưu trữ theo khu vực có ghi ngày lưu trữ để quản lý theo
nguyên tắc FIFO. Trường hợp tờ bị kết dính (do gia công mủ tươi) thì
dùng dung dịch thầu dầu phun để chống dính. Việc áp dụng gia công gián
đoạn phải rất hạn chế. Chỉ áp dụng khi các điều kiện gia công liên tục
chưa được tổ chức tốt.
Theo nguồn Tạp chí CSVN