12h trưa 13/2, bất chấp cái nắng chói chang của Sài Gòn, anh Đức, nhà ở
quận 7 kiên nhẫn đứng chờ cả trăm người xếp hàng để đăng ký mua bánh.
Sau 15 phút đến lượt, điền phiếu gọi món anh được phục vụ khá nhanh. Lần
đầu tiên ăn bánh McDonald, không cảm thấy có gì đặc biệt, nhưng người
đàn ông 39 tuổi này thích cách phục vụ ở đây. Các nhân viên tươi vui, có
tác phong nhanh nhẹn, trao đổi với nhau bằng hệ thống bộ đàm và giám
sát bằng bảng điện tử. Không gian ở đây rộng rãi, thiết kế hiện đại,
view đẹp, khá thích hợp với các gia đình vì có cả khu vui chơi dành cho
trẻ em.
Đặc biệt, từ trong nhà hàng, anh thích thú quan sát dịch vụ mua hàng
không cần gửi xe (Drive Thru) ở bên ngoài. “Tôi đến đây để tìm hiểu xem
có gì đặc biệt mà người ta phải xếp hàng mua nó. Cách tổ chức khoa học,
đáng để một người chuyên làm kinh doanh dịch vụ tham khảo”, Đức nói.
Drive Thru là quy trình đặc biệt của McDonald được nhiều người nhắc đến
vì nó được quảng cáo set up chỉ mất 2 phút. Theo đó, xe sẽ chạy từ cổng
chính vào khu vực Drive Thru, đến quầy gọi món qua màn hình LCD, sau
khi xác nhận món ăn, khách hàng di chuyển đến quầy thanh toán rồi tới
quầy nhận hàng và ra về bằng đường dành riêng cho dịch vụ này. Nhưng
trong tuần qua, dịch vụ có lúc chưa đạt được tốc độ như vậy.
Anh Nghiêm Minh Phúc, 35 tuổi, kiểm toán viên cho một công ty nước
ngoài tại TP HCM hôm 9/2, mất 15 phút ngồi trên ôtô chờ ngoài cổng. Khi
qua được cổng Drive Thru thì không thể tiếp cận với hệ thống màn hình
LCD gọi món. Nhân viên phục vụ phải đến từng xe để nhận đặt hàng và sau
đó phải mất thêm 15 phút nữa anh mới nhận được bánh. “Có lẽ quá nhiều
người như tôi muốn thử xem tốc độ phục vụ của họ có nhanh như quảng cáo
không nên đến mua hàng. Hy vọng khi ổn định trở lại, dịch vụ sẽ đạt hiệu
quả cao hơn”.
|
Dịch vụ mua hàng không cần đỗ xe của McDonald's trong tuần lễ đầu khai trương nhà hàng đầu tiên. Ảnh: Vũ Lê
|
Bốn năm du học ở Singapore thường xuyên ăn McDonald, Hoàng Hà Triết
cùng bạn bè cũng hòa vào đám đông xếp hàng tại vòng xoay Điện Biên Phủ -
Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cảm nhận của Triết và các bạn là giá bán ở Việt Nam
rẻ hơn Singapore. Triết so sánh giá burger của McDonald's chào bán
20.000-95.000 đồng một phần, tùy kích cỡ cũng khá cạnh tranh với KFC,
Buger King, Joliebe, Lotte tại TP HCM. Bánh, thịt gà, khoai tây ở đây
không khác nhiều ở Singapore, chỉ có điều rau và cà chua mềm hơn và nếu
chú ý sẽ nhận ra một chút vị chua và ngọt thích hợp với gu của người Sài
Gòn.
Theo tiết lộ của người đại diện McDonald tại Việt Nam, ngoại trừ cà
chua và rau kèm trong burger có xuất xứ từ Đà Lạt, các nguyên liệu còn
lại của họ, kể cả khoai tây đều được nhập khẩu từ chuỗi cung ứng toàn
cầu. J.S. Simplot, cha đẻ của McDonald French Fry trong một lần đến Việt
Nam cách đây nhiều năm đã cho rằng, củ khoai tây của Việt Nam nhỏ tròn,
không thích hợp. Món đặc biệt này của ông có tiêu chuẩn đồng nhất trên
toàn cầu và đòi hỏi củ khoai tây phải có hình trái bóng (football shape)
mới cắt được những miếng dài, đều. Để gần gũi hơn với khẩu vị người
Việt Nam, sốt của McDonald's nhập từ Thái Lan, vỏ bánh khá giống với các
thị trường châu Á.
“Tôi đặc biệt thích món khoai tây chiên giòn tan với cảm giác tươi
ngon. Vị đậm đà chua ngọt kích thích vị giác trong khẩu phần buger. Màu
sắc của buger và nguyên liệu khá tương đồng với sản phẩm ở Singapore,
Thái Lan, Malaysia”, anh Trang Minh Hà, 36 tuổi , ngụ quận Thủ Đức, nói.
Hiện là Trưởng Phòng đào tạo Tập đoàn khách sạn Victoria Việt Nam,
Trang Minh Hà tự nhận mình là fan của McDonald. Anh đã xếp hàng
lúc 12h đêm ngày 8/2 để mua bánh. Anh giải thích đi ăn vào giờ này vì
“không khí sôi động và rất ấn tượng”.
|
Dòng người xếp hàng chờ mua McDonald's tại TP HMC. Ảnh: Vũ Lê
|
Các hãng fastfood ở Sài Gòn đóng cửa lúc 10h tối, còn McDonald's thì
bán 24/7. “Họ có vẻ thấu hiểu gu thích ăn đêm của người Sài Gòn. Những
ai đi làm, đi chơi về khuya có thể tạt vào ăn hoặc mua mang về đều tiện.
Tôi tin rằng dịch vụ này có thể hỗ trợ thêm 25% doanh thu cho cửa
hàng”, anh Hà dự đoán.
Theo Giám đốc điều hành Công ty D'Corp R-Keeper, James Dương Nguyễn, ở
TP HCM cái mới được đón nhận nhanh và tự nhiên. Đặc biệt là giới trẻ, họ
luôn khát khao và có nhu cầu thưởng thức lối sống hiện đại, năng động
là đặc trưng của phong cách Âu - Mỹ.
Vì vậy, sức hấp dẫn của việc trở thành người đầu tiên trải nghiệm một
thương hiệu toàn cầu tại thị trường mới luôn khó cưỡng. Ai cũng muốn lưu
lại khoảnh khắc này vì đó là cột mốc quan trọng, một phần lịch sử hội
nhập của Sài Gòn. Hàng nghìn người không muốn bị tuột khỏi dòng chảy sôi
nổi đó. "Họ xếp hàng không đơn thuần mua fast-food. Họ tìm kiếm và tận
hưởng một phong cách thời thượng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam",
ông nói.
Ông James Dương Nguyễn cho rằng sức hút đối với người tiêu dùng Việt có
thể còn nằm ở câu chuyện đầy mê hoặc của McDonald's, gã khổng lồ
fast-food thế giới. Câu chuyện thành công của người dẫn đầu về nhận diện
thương hiệu, marketing, phát triển thị trường, dịch vụ, chuỗi cung
ứng... từ lâu đã trở thành bài học mẫu mực đối với nhiều doanh nghiệp.
Thêm vào đó, 10 năm qua thương hiệu này cứ hứa hẹn sẽ vào Việt Nam nhưng
nhiều lần trì hoãn càng kích thích sự tò mò. "Khi người ta phải mong
đợi quá lâu, sự xuất hiện đầu tiên càng trở nên hấp dẫn bội phần", ông
nói.
|
Theo các chuyên gia, hàng nghìn người Sài Gòn đặc biệt là các bạn
trẻ không đơn thuần xếp hàng mua fast-food, họ mua trải nghiệm thời
thượng từ McDonald's. Ảnh: Vũ Lê
|
Song nhiều ý kiến cho rằng sức hút lớn nhất của McDonald đó là quy mô
hoành tráng của họ. Chủ đầu tư khi khai trương nhấn mạnh nó là
“restaurant” (nhà hàng) chứ không gọi đó là “cửa hàng” như để nói với
công chúng về quy mô vượt trội so với hàng loạt các thương hiệu thức ăn
nhanh đã vào TP HCM trong một thập niên qua. CEO McDonald's toàn cầu,
Don Thompson đã khéo léo từ chối nói về phí nhượng quyền và tổng mức đầu
tư cửa hàng đầu tiên. Thế nhưng, giới kinh doanh thức ăn nhanh ước tính
con số này có thể gấp đôi các đối thủ.
Với những thương hiệu fast-food khác tại Sài Gòn, tổng mức đầu tư cho
một cửa hàng vào khoảng 250.000-400.000 USD tùy vị trí và quy mô. Con số
này của McDonald's tại cửa hàng đầu tiên có thể ở vào khoảng
800.000-900.000 USD trở lên, một nhà đầu tư phân tích. Mặt bằng ngay
vòng xoay cửa ngõ Đông Sài Gòn rộng 1.300 m2 và xây dựng mới toàn bộ
thành cửa hàng 350 chỗ ngồi có tầm nhìn đẹp, kèm dịch vụ Drive Thru có
thể ngốn 30% tổng mức đầu tư.
Chi phí công nghệ cho nhà bếp dao động từ vài chục đến cả trăm nghìn
USD. Khoản này bao gồm: hệ thống màn hình theo dõi, máy móc phục vụ quy
trình chế biến món ăn hiện đại, có thể ra lò sản phẩm số lượng lớn tính
bằng giây, kiểm soát từ nhà bếp thông với bên ngoài cửa hàng bằng hệ
thống âm thanh...
Về con người, nhân lực được đào tạo ở nước ngoài theo chuẩn toàn cầu.
McDonald's thậm chí còn không ngại tuyển cả nhân viên nước ngoài để mang
lại chất lượng dịch vụ tốt nhất nên chi phí cũng không hề nhỏ. "Một gã
khổng lồ lần đầu tiên vào Việt Nam chịu chi, chịu chơi như thế, người ta
phải xếp hàng nhiều giờ liền để trải nghiệm sản phẩm cũng đáng", nhà
đầu tư này nhận xét.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên McDonald’s đặt chân đến trong vòng 15 năm
trở lại đây (sau khi tham gia vào thị trường Pakistan) và là quốc gia
thứ 38 tại khu vực châu Á mà tập đoàn này có mặt.
Đại diện McDonald's dự báo dòng người xếp hàng sẽ vãn dần từ tuần thứ
ba trở đi. Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đã mang thương hiệu McDonald
về Việt Nam, dù được đón nhận nồng nhiệt trong những ngày đầu khai
trương, thách thức của thương hiệu này tại thị trường mới không hề nhỏ.
Ông Hoàng tiết lộ, cửa hàng thứ hai của McDonald's tại Việt Nam dự kiến
sẽ khai trương trong vài tháng tới cũng tại quận 1, TP HCM. Riêng về kế
hoạch phát triển lâu dài tại Việt Nam, ông Hoàng cho hay: "Ở
Philippines McDonald's có 400 cửa hàng, còn Singapore với dân số ít hơn
Việt Nam có 150. Tôi tin Việt Nam có thể đạt được độ phủ cao nhưng cần
chờ đợi phản ứng của thị trường".