Tại hội nghị "Tổ chức, quản lý và Khai thác đường cao tốc - Khu vực phía Nam" ngày 19/3, ông Trần Phước Anh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai cho rằng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã tác động tốt đối với kinh tế xã hội, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, rút ngắn đoạn đường từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo ông Anh, hiện có tình trạng một số xe tải chở nặng chạy rất chậm trên tuyến cao tốc này, các ôtô phía sau nếu muốn chạy nhanh thì phải chuyển làn liên tục trong khi đang chạy tốc độ cao nên rất nguy hiểm. Nhiều lúc còn có 2 xe tải chạy song song khiến tất cả những xe phía sau không vượt được, gây ùn tắc.
|
Các hiệp hội vận tải và CSGT kiến nghị tăng tốc độ thấp nhất trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 70-80 km/h. Ảnh: Hữu Công. |
"Đề nghị đơn vị quản lý không cho những xe tải chở quá tải trọng đi vào cao tốc, vì chở nặng thì không thể chạy nhanh được. Đồng thời xem lại tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc này là 60 km/h liệu có hợp lý chưa", ông Anh nói và cho biết với tốc độ tối thiểu này thì chưa thể phát huy hết mục đích của việc xây dựng đường cao tốc là rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm ùn tắc giao thông.
Thượng tá Phạm Đăng Đức, Phó trưởng phòng Tuần tra nghiệp vụ (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an), trưởng Đội 10 - đơn vị CSGT quản lý đường cao tốc cho biết các lỗi vi phạm trên tuyến cao tốc này chủ yếu là về tốc độ, chuyển làn đường không đúng quy định hoặc không giữ khoảng cách an toàn.
"Sau hơn một năm đưa vào khai thác 20 km đầu và toàn tuyến cao tốc từ ngày 8/2 năm nay, dù mật độ ôtô rất cao nhưng tuyến cao tốc này chưa xảy ra vụ tai nạn chết người nào là điều rất đáng mừng", Thượng tá Đức nói.
Theo ông Đức, tốc độ tối đa trên đường cao tốc đã được điều chỉnh lên 100-120 km/h nhưng tốc độ tối thiếu hiện vẫn giữ mức 60 km/h là chưa hợp lý. Do mặt đường tuyến cao tốc này khá hẹp nên chỉ cần 2 container chạy song song thì những xe phía sau không thể chạy nhanh được. "Vì vậy, chúng tôi đề nghị thay đổi tốc độ tối thiểu trên tuyến đường này lên 70-80 km/h sẽ giúp các loại xe lưu thông nhanh hơn, thông thoáng hơn", ông Đức nói.
Bên cạnh đó, vị Đội trưởng CSGT số 10 cũng đề nghị nên quy định tốc độ trên các đoạn đường dẫn của tuyến cao tốc thay vì các biển báo có nội dung "chạy chậm" như hiện nay. "Chạy chậm là bao nhiêu km/h? Nội dung rất chung chung, CSGT rất khó xử lý. Theo tôi nên quy định tốc độ tối đa ở dường dẫn là 60 km/h", ông Đức nêu.
|
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là một dự án hiệu quả và đúng lúc. Ảnh: H.P. |
Trong khi đó, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai đề nghị đơn vị quản lý đường cao tốc nên lắp các biển báo to hơn vì khi ôtô chạy với tốc độ cao rất khó nhìn thấy nội dung trên biển báo. Trồng thêm nhiều cây xanh và lắp camera theo dõi trên toàn bộ tuyến đường phục vụ cho việc kiểm soát tình hình giao thông.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô TP HCM Lê Trung Tính nêu ra thực tế một số doanh nghiệp vận tải phàn nàn mức thu phí của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây còn cao nên họ ngại sử dụng. Đồng quan điểm, đại diện hiệp hội vận tải tỉnh An Giang đề nghị chủ đầu tư xem lại mức thu phí, giá cao quá thì không thu hút được nhiều phương tiện. "Tôi thuê xe hợp đồng lên Đà Lạt, khi đi thì tài xế đi đường cao tốc, nhưng khi về lại đi đường quốc lộ 1. Họ bảo mức phí cả 2 trạm đến 150.000 là đắt", vị này cho biết.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh cho biết, công ty đã có phương án tài chính cụ thể và tham khảo mức phí ở một số nước trước khi ban hành mức phí ở đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Ở Trung Quốc họ thu đến 3.000 đồng/km, mức phí hiện nay của chúng ta chỉ là 2.000 đồng/km. Hơn nữa, mức phí là do thị trường quyết định, chúng tôi biết nếu mức phí thấp thì lưu lượng xe sẽ tăng và ngược lại. Hoàn toàn, không có chuyện độc quyền ở đây, các doanh nghiệp vận tải và người dân có quyền lựa chọn hoặc đóng phí để đi cao tốc, hoặc đi đường cũ và không phải đóng phí", ông Anh cho biết.
Về vấn đề không cho xe quá tải chạy vào đường cao tốc, ông Mai Tuấn Anh cho biết không chỉ doanh nghiệp mà nhà nước cũng rất lo vì đây là nguyên nhân chủ yếu gây hư hỏng đường xá. "Một xe chở quá tải gấp 1,5 lần tải trọng cho phép làm hư hỏng cầu đường gấp 1.500 xe bình thường. Sắp tới khi hoàn thành việc lắp đặt các trạm cân tại làn, nếu phát hiện xe quá tải chúng tôi sẽ từ chối phục vụ, đồng thời thông báo để cơ quan chức năng xử lý", ông Anh nói.
Với đề nghị tăng tốc độ tối thiểu trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, ông Anh cho biết sẽ tiếp thu và đề xuất với đơn vị quản lý xem lại cho phù hợp, làm sao vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo được thuận lợi cho xe đi trên đường cao tốc.
Theo nguồn Vn Express